Thiết chế văn hóa cơ sở, điểm sáng ở vùng nông thôn huyện Long Phú.
Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô – Tân Qui B, thuộc xã Tân Hưng, huyện Long Phú, cũng giống như bao Nhà văn hóa ấp khác, được xây dựng giữa một miền quê khá heo hút. Nhưng làm nên điểm khác biệt chính là hiệu quả hoạt động của những người hoạt động ở ấp nhận thức rất tích cực khi đã tổ chức rất nhiều buổi sinh hoạt tại đây. Anh Thạch Khươl, Bí thư Chi bộ - Trưởng Ban nhân dân ấp Ko Kô, xã Tân Hưng cho biết : “ Tất cả những sinh hoạt của ấp đều được tổ chức tại Nhà văn hóa. Lúc chưa có địa điểm này, muốn tổ chức vận động, tuyên truyền, chúng tôi phải mượn tạm nhà dân, mà việc mượn nhà dân thì không thể cố định được. Từ khi xây dựng được Nhà văn hóa ấp, mọi hoạt động của ấp, các cuộc tuyên truyền của các đoàn thể, hay sinh hoạt văn nghệ, thể thao của bà con trong ấp đều được tổ chức thuận lợi hơn, thu hút bà con đến tham gia nhiều hơn”. Bảng quy ước ấp Ko Kô được treo ngay cửa ra vào Nhà văn hóa ấp, ghi rõ những nội dung để người dân nắm bắt được và cùng nhau thực hiện. Đặc biệt, nội quy làm việc cũng được quy định hẳn hoi. Lịch làm việc ghi rõ giờ giấc nghiêm túc, quy định cả nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban dân chính ấp. Bên trong Nhà văn hóa trang trí những bằng khen ghi nhận thành tích hoạt động của ấp, những hiện vật, hình ảnh qua các thời kỳ lịch sử cũng được treo ngăn nắp. Có cả bộ nhạc cụ để bà con có thể đến đây tham gia sinh hoạt văn nghệ, đờn ca, múa, hát dù kê, A dây, rom vong, lăm thôn … vào những dịp lễ lộc, ngày kỷ niệm của đất nước được Ban dân chính ấp tổ chức. Nghĩa là Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô – Tân Qui B có thể xem như một mô hình, địa điểm “tổ hợp”, vừa là nơi để tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, hội diễn, hội thảo … thu hút được sự tham gia của bà con sở tại.
Chú thích ảnh : Nhà văn hóa thị trấn Long Phú (Long Phú)
Ông Nguyễn Văn Nhặn, phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng chia sẻ : “ Nhà văn hóa ấp khi hoạt động đi vào quy củ như thế, không chỉ trở thành nơi để người dân đến sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, thể thao, mà còn để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng, trình bày những bức xúc, để gút mắc dần tháo gỡ. Đây là mô hình hết sức thiết thực mà chúng tôi đang nhân rộng khắp các Nhà văn hóa ấp của xã”.
Trung tâm Văn hóa, thể thao cấp xã, hay còn gọi là Nhà văn hóa xã, thị trấn được đầu tư khá nhiều kinh phí xây dựng, nhưng xung quanh đó còn những thực trạng đáng quan tâm. Đó là sự xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị, thiếu nhân lực điều phối, và tìm ra các mô hình hoạt động hiệu quả là điều mà bất cứ địa phương nào khi xây dựng Nhà văn hóa, thể thao xã, thị trấn đều quan tâm. Điều gây ấn tượng cho chúng tôi khi tham quan Nhà văn hóa thị trấn Long Phú (Long Phú) là cách bài trí phòng truyền thống. Bàn thờ Bác Hồ được đặt ở một góc trang trọng, để mỗi lần Nhà văn hóa có hoạt động tuyên truyền cho thanh niên, học sinh nói riêng, người dân nói chung, thì đó luôn là góc thiêng liêng để mọi người đến thắp một nén nhang thành kính trước anh linh của vị Cha già dân tộc. Mặc dù chỉ ở quy mô cấp xã, nhưng Nhà văn hóa thị trấn Long Phú như một mô hình kép “gom” nhiều hoạt động của các Hội, đoàn thể như : Thanh niên, Phụ nữ; Nông dân, Cựu Chiến binh; kể cả Thư viên, Bảo tàng … Thế nhưng, cũng như thực trạng chung, vì cán bộ quản lý Nhà văn hóa thuộc diện kiêm nhiệm, công việc đảm đương khá nhiều, nên việc đầu tư mô hình hoạt động hiệu quả đôi lúc còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự xuống cấp của các Nhà văn hóa, sự thiếu thốn trang thiết bị … cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mô hình kép này.
Nhà văn hóa liên ấp Ko Kô – Tân Qui B, xã Tân Hưng.
Ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Phú, Nhà văn hóa xã đã được chính quyền sở tại xây dựng thành những mô hình kép hoạt động khá hiệu quả. Có thể điển hình như ở xã Long Phú, Tân Hưng, đã được xem như một thiết chế văn hóa đặc biệt của xã. Hay Nhà văn hóa xã Trường Khánh, Long Đức, Phú Hữu, Hậu Thạnh, Song Phụng, Tân Thạnh … cũng là mô hình thiết chế văn hóa đặc biệt thu hút đông đảo Nhân dân đến đây sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng. … Xây dựng, đầu tư kinh phí, xây dựng các Nhà văn hóa ấp, Nhà văn hóa xã, thị trấn … nhìn chung là những nỗ lực của các địa phương, trong đó có cả sự tham mưu chuyên môn tích cực của cơ quan chuyên trách là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Thế nhưng câu chuyện hậu xây dựng, hậu đầu tư mới là chuyện đáng quan tâm, đòi hỏi cả tâm huyết của những người trong cuộc. Trong khó khăn, một số địa phương trong huyện đã thích ứng bằng cách ghép các hoạt động để Nhà văn hóa cơ sở trở thành mô hình kép phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, vui chơi, sinh hoạt của Ban dân chính cơ sở, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng cũng có những nơi èo uột trong hoạt động do thiếu sự hăng hái, tâm huyết của chính quyền cơ sở khi chưa mặn mà việc đầu tư những mô hình hoạt động hiệu quả.
Thực tế ghi nhận cho thấy, thiết chế văn hóa cơ sở để trở thành điểm sáng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những địa bàn đã và đang tiến lên xây dựng nông thôn mới, cần lắm những mô hình sinh hoạt hiệu quả, thiết thực, thu hút bà con Nhân dân. Và để có được như trên đã nói, đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền cơ sở ( sự vào cuộc tham mưu, đề xuất cho cấp trên, ngành chức năng …) khi nhân thức đúng tầm quan trọng của những thiết chế này.
Bài và ảnh : Sóc Ca.